CHIẾN LƯỢC LÀ PHẢI BIẾT NÓI “KHÔNG”!

( Bài viết có thể ngược đời, cứ tự nhiên share và phản biện nhé! Chỉ xin 2 chữ “lịch sự” thôi! )

Chiến lược thực ra là lựa chọn KHÔNG làm gì, hơn là nên làm gì! Nói vậy nghe có vẻ hơi ngược đời, nhưng thực tế, chính vì nhiều người thích hiểu xuôi ( lựa chọn làm gì ) nên mắc phải sai lầm là chọn nhiều thứ quá! Chiến lược về thực chất là nói “NO!” với rất nhiều thứ để chỉ nói “YES!” với một, hai thứ. Những doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp TỪ BỎ rất nhiều thứ để theo đuổi chỉ một, hai thứ.

Trong một buổi trình bày về chiến lược ( corporate stragegy ) cho một tập đoàn lớn đang hướng tới mục tiêu vài tỷ đô ( USD ), trước các vị “bô lão” dày dạn kinh nghiệm và “cao ngất” về vai vế, tôi đã gây bất ngờ ( và cả bất bình ) khi đề nghị cắt bỏ hàng loạt các công ty con và ngành nghề kinh doanh phụ của tập đoàn này. Những đề nghị của tôi không phải vô cớ mà hoàn toàn có cơ sở, dựa trên những phân tích chiến lược rất kỹ về năng lực lõi, lợi thế cạnh tranh, xu hướng thị trường, các điều kiện vĩ mô, vi mô của môi trường kinh doanh…

Thế nhưng, mặc cho tôi phân tích, chứng minh, các vị “bô lão” vẫn cứ quyết chí nuôi nấng, bảo bọc những đứa con èo uột, ốm yếu chỉ với mục đích muốn cho tập đoàn thêm phần hoành tráng. Kết quả là càng nuôi, con càng ốm yếu, phải suốt ngày bấu víu vào bầu sữa mẹ, làm cho công ty mẹ cũng trở nên yếu đi.

Quả thật, không riêng gì tập đoàn này, mà nhiều tập đoàn khác, việc cắt bỏ một công ty con, một ngành nghề kinh doanh mà tập đoàn đã mở ra còn khó hơn là một người mẹ phải dứt bỏ con đẻ của mình. Sĩ diện, niềm tự hào, tình cảm lưu luyến… và nhiều nguyên nhân khác nữa làm cho các tập đoàn đã lỡ phình to rất khó để thu gọn trở lại.

Tôi có cảm giác các tập đoàn đa ngành VN giống như những người mắc bệnh béo phì, rất khó để có thể giảm cân vì lúc nào cũng bị cảm giác thèm ăn hành hạ. Và những tập đoàn đa ngành này, khi thức tỉnh ra thì hầu hết đã muộn vì chỉ khi lâm trọng bệnh mới chịu nhớ lại những điều “thầy thuốc” căn dặn lúc đầu.

Chiến lược cuối cùng vẫn là KHÔNG chọn gì, để chọn gì. Tôi luôn nhấn mạnh chữ “không” và chữ “bỏ” khi nói về chiến lược, trong khi nhiều người khác lại thích nói “” và “chọn”. Và đa số những người nói “có”, cuối cùng lại quay về chuyện nói “không”; đa số những người nói “chọn”, đến khi kiệt quệ mới chịu nói “bỏ”.

Dù bạn đã hay chưa bị béo phì, dù bạn là một cty nhỏ xíu hay tập đoàn lớn, hãy tập cách nói “NO!” mạnh mẽ, dứt khoát nếu bạn không muốn “tăng trọng” ào ào để rồi ân hận vì đã nói “YES!” nhiều quá! Tin tôi không?

Viết một bình luận