HÃY ĐỪNG LÀ ‘KHÁCH TRỌ’ TRONG CÔNG TY!

CHUYỆN CÔNG TY – KHÁCH TRỌ HAY NGƯỜI NHÀ?

Có những người bạn đến nhà, lần nào cũng vậy, lăng xăng chạy ra bếp, hỏi có làm gì không, xin giúp một tay. Nếu pha trà hay chuẩn bị rượu, bạn lăng xăng xin phụ pha trà, khui rượu. Nếu chuẩn bị bữa ăn, bạn “nhảy” vào phụ nhặt rau, bày biện bát đĩa… Bạn làm việc này tự nguyện, vui thích, vì bạn tự xem mình như “người nhà”, không cần khách sáo, hay giữ gìn ý tứ…

Có những người bạn khác đến nhà – ngại ngùng, giữ ý lúc đầu, rồi cũng thoải mái, thân thiết như người nhà, sẵn sàng vào bếp, sẵn sàng cùng nhóm than, cùng nướng thịt, và cả sẵn sàng xắn tay áo lên… rửa chén.

Nhưng cũng có những người bạn đến nhà, dẫu cùng nhau ăn uống cả trăm lần, vẫn xa cách, vẫn khách sáo, vẫn chỉ ngồi trên phòng khách, hoặc ra sân… hút thuốc, ngắm cỏ hoa, cây cảnh bâng quơ. Và rồi, đùng một cái, họ chẳng bao giờ đến nữa, mặc dù ta vẫn mời mọc, ân cần. Chúng ta ngạc nhiên, hụt hẫng, nhưng chúng ta hãy nghĩ rằng cũng bình thường. Đơn giản, họ chẳng bao giờ xem mình như “người nhà”, mà luôn nghĩ họ là khách. Khách đến, khách đi, chẳng vướng bận hay tiếc nuối gì. Không có đúng/sai nên cũng nhẹ lòng…

Trong một công ty cũng vậy. Có những người xem công ty như ngôi nhà thứ 2. Họ hết lòng chăm lo cho ngôi nhà. Họ thấy mình là một phần của nó và cảm thấy hạnh phúc khi được đóng góp chút gì cho nó. Họ buồn khi thấy công ty đi xuống, họ vui khi thấy công ty đi lên. Họ lo lắng đau đáu khi thấy công ty trải qua những giờ phút sóng gió. Những người đó chắc chắn sẽ gắn bó với công ty lâu dài, kể cả khi nhìn thấy ngoài kia, “cỏ nhà cô hàng xóm xanh hơn”.

Ngược lại, cũng có những người đến với công ty làm việc cứ như là “khách trọ”. Họ chẳng quan tâm công ty phát triển hay thụt lùi, đang lên hay đang xuống thế nào. Họ chỉ biết sáng đến, chiều về, lĩnh lương, nghỉ ngơi, và cứ thế… Có khi họ không làm hết trách nhiệm, chất lượng công việc chẳng ra gì, nhưng nếu chưa có ai thấy, ai nhắc, thì họ cũng mặc kệ. Nếu có người thấy, nhắc nhở thì họ ậm ừ, cố gắng thể hiện chút xíu cho có vẻ, rồi sau đó cũng mặc kệ. Và hễ cứ thấy nhà ai đó có “cỏ” xanh hơn là họ lập tức ra đi…

Làm quản lý hay doanh chủ, tôi tin, ai cũng trải qua những cung bậc cảm xúc thế này. Khi nhân viên xem tổ chức, đơn vị như ngôi nhà ( thứ 2 ), bạn vui lắm! Khi nhân viên xem tổ chức chỉ là nơi nghỉ trọ qua đường, bạn chẳng vui vẻ gì. Tất nhiên, bạn phải luôn nhìn lại chính mình. Nhưng thật lòng, ở đời, dù bạn cố gắng hết cách, vẫn có những con người muôn đời chỉ là “khách trọ”. Vậy, đừng lấy đó làm buồn, bạn nhé!

HÃY ĐỪNG LÀ “KHÁCH TRỌ” TRONG CÔNG TY!

Anh chị nào từng ở khách sạn hay nhà trọ qua đêm chưa? Thái độ của anh chị khác thế nào so với ở nhà? Tạm bợ, qua loa, bừa bãi… có lẽ là những trạng từ có thể dùng cho cách sống của những người khách trọ. Quần áo thay ra, vứt bừa bãi trên ghế. Khăn tắm dùng xong có thể vứt trên sàn nhà. Chăn, ra, gối cứ mặc kệ cho nó dồn cục hay nhăn nhúm. Chai nước suối uống dở có lúc không buồn đóng nắp. Nước xả vô tội vạ trong bồn, có khi quên cả tắt. Ti-vi trong phòng cứ bật kể cả lúc đi ra ngoài…
Tạm bợ, qua loa, bừa bãi… dường như vẫn là chưa đủ. Lãng phí là thứ nặng nề hơn. Phí nước, phí điện, phí khăn tắm, sữa tắm, xà phòng… Tất cả là vì tâm lý của người ở trọ. Qua đêm, qua ngày, một vài ngày, rồi ra đi, chẳng phải của mình, cần gì phải chăm chút, giữ gìn!

Ai biết những người “ở trọ” trong chính công ty của mình chưa? Không phải chỉ những người lao động thời vụ vài ba tháng đâu nhé! Có những người làm việc hàng năm, nhiều năm, vẫn có tâm lý ở trọ. Có người là cấp quản lý được nhiều chế độ ưu đãi. Có người từng gặp khó khăn và được công ty giúp đỡ, hỗ trợ cả tài chính, lẫn bố trí công việc phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe…

Nhưng rồi họ vẫn có tư tưởng ở trọ. Họ làm việc vô trách nhiệm, thờ ơ, qua loa, bừa bãi, tạm bợ, và lãng phí ( đúng như người ở trọ ). Họ chẳng bao giờ xem công ty như ngôi nhà thứ hai của mình. Không chăm chút, không lo lắng, không quan tâm gì. Công ty lên hay xuống, phát triển hay khó khăn, họ cũng mặc kệ. Còn cảm thấy thoải mái về công việc, thu nhập, chế độ thì họ còn làm ( và làm với thái độ đối phó ); nếu thấy hết thoải mái, hoặc có nơi nào khác tốt hơn là họ ra đi. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình thôi!

Vài người biện minh là có thể họ bị bạc đãi hay thiếu tôn trọng… Vâng, có thể! Nhưng nếu bị bạc đãi, thiếu tôn trọng, hay môi trường làm việc không phù hợp…, thì người có lòng tự trọng sẽ ra đi ngay, chứ không “ở trọ” dài dài trong chính công ty của mình.

Những người “ở trọ” rồi sẽ đến lúc làm chủ ( chủ công ty, chủ quán, hay ít nhất cũng là chủ nhà ). Họ sẽ nghĩ gì khi nhân viên, người quản gia, cô bảo mẫu sống/làm việc lâu ngày trong nhà mình mà cứ như người ở trọ qua đêm?

Đọc kỹ lời nhắc nhở trong hình dưới của Cô Hai. Bạn còn muốn làm khách trọ nữa không?

Chợt nhớ tới “Chuyện lạ ở Ford: Công ty bên vực phá sản, toàn thể nhân viên viết thư động viên sếp tổng và tình nguyện làm việc không lương

Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, GM và Chrysler đã phải phá sản, còn Ford thì không. Bí quyết nằm ở đội ngũ nhân viên cực kỳ trung thành.

Trong năm 2008, khi nền kinh tế gặp khó khăn, GM và Chrysler gặp rắc rối lớn. Đến tháng 4/2009, 2 nhà sản xuất ô tô lớn này phải đi đến bước đường cùng là phá sản. Chính phủ Mỹ đã phải vào cuộc và quyết định hỗ trợ cho các nhà sản xuất xe 79,7 tỷ USD – trong đó 70,4 tỷ USD dùng để bù cho các khoản thuế.

Mặc dù vậy, Ford cũng chịu tổn thất không hề nhỏ, họ nổi tiếng không bao giờ phải nhận một đồng trợ cấp từ chính phủ. Có hàng loạt chuyên gia phân tích tài chính về vấn đề này. Tuy nhiên vào thứ 2 tại hội nghị SXSW, Chủ tịch Bill Ford đã chia sẻ câu chuyện của mình, tại sao tập đoàn này không bị phá sản. Ông nói rằng các nhân viên – những người lo sợ cho tương lai của công ty đã tình nguyện làm việc không lương.

Tôi sẽ ghi nhớ khoảnh khắc đó tới lúc chết. Bạn có thể vẫn nhớ những ngày đen tối của cuộc khủng hoảng năm 2008, 2 đối thủ cạnh tranh chính tại Mỹ của chúng tôi là GM và Chrysler đã phá sản. Chúng tôi thì không. Tại sao chúng tôi không phá sản? Nhiều người có thể nghĩ là do chúng tôi đã đưa ra những quyết định đúng đắn, nhưng không, tất cả là nhờ nhân viên của chúng tôi. Họ không rời bỏ chúng tôi trong thời khắc khó khăn đó”.

Tôi bị ngập trong email và thư từ nhân viên với nội dung kiểu, ‘Bill, đừng từ bỏ. Chúng ta có thể vượt qua được. Chúng tôi sẽ không để ông phải gánh vác một mình’. Điều kỳ lạ nhất là những thông điệp này được xếp theo thứ tự từ trên xuống, tức là từ các lãnh đạo cho tới nhân viên“.

Các nhân viên của tôi vẫn làm việc, cả thứ 7, chủ nhật cho tới tận 1 – 2 giờ sáng mà không được nhận hoặc đòi hỏi bất kỳ khoản tiền làm thêm giờ nào, thậm chí dù không chắc là ngày mai họ liệu còn có việc nữa hay không. Thực tế, một vài trong số đó sáng ngày hôm sau đã không còn việc làm. Tuy nhiên họ vẫn sẵn sàng làm để giúp công ty vượt qua.

Điều đó thật kỳ diệu! Nhất là khi công ty cuối cùng cũng có thể trả hết các khoản nợ và có thể tuyển lại tất cả những người nhân viên tuyệt vời ấy”.

Với câu chuyện của mình, Bill muốn gửi lời khuyên cho các công ty khởi nghiệp công nghệ ở thung lũng Silicon rằng:

Một công ty không nên chỉ là nơi trả tiền lương. Đây phải là nơi cho nhân viên của mình một thứ gì đó hơn thế. Sẽ thật dễ dàng để bắt kịp những công nghệ mới: Phần mềm, phần cứng, mô hình kinh doanh, tất cả những thứ đó đều rất quan trọng. Nhưng nếu không xây dựng được một văn hóa tốt, bạn sẽ chỉ có những nhân viên tạm thời, họ không cần phải suy nghĩ nhiều khi đến với một công ty khác hay một ý tưởng khác lớn hơn“.

Viết một bình luận