Thương hiệu – nói thì dễ, làm thì khó! Các lớp đào tạo về thương hiệu hiện có rất nhiều. Ở một số lớp, học viên được học nhiều về lý thuyết xây dựng thương hiệu. Và những case study ( tình huống nghiên cứu ) thường là của các thương hiệu nước ngoài, ít có “ca” nào về thương hiệu Việt.
Người Việt có mấy ai từng tham gia vào quá trình vạch ra những bước đi đầu tiên cho những thương hiệu từ lúc nó còn… chưa ra đời và chưa có tên để trở thành nổi tiếng về sau? Mấy ai theo sát từng bước đi của thương hiệu Việt từ những ngày còn là ước mơ, rồi phôi thai, lớn dần trong bụng mẹ, rồi ra đời, mạnh mẽ bước vào thương trường, chiến đấu ngang ngửa với những thương hiệu toàn cầu tại VN, và vượt lên, giành chiến thắng?
Ít ai thấy thương hiệu lúc còn chưa phôi thai và ra đời thế nào; chỉ thấy rõ khi nó đã lớn mạnh. Và không ít những thương hiệu ra đời đình đám, vươn vai cao to như Phù Đổng thật nhanh, rồi sau đó, bỗng lụi tàn và biến mất. Rồi những thương hiệu đã thành danh hàng chục, hàng trăm năm, cũng biến mất. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Khởi đầu cho một thương hiệu là cực kỳ quan trọng. Khởi đầu có phải là tìm kiếm cho nó một cái tên, vẽ cho nó một logo, chọn cho nó một câu slogan, rồi thiết kế cho nó kiểu dáng, hình ảnh, màu sắc bao bì? Đó là sự nhầm lẫn phổ biến, mà rất tiếc là nhiều người làm marketing và thương hiệu lâu năm cũng thường mắc phải. Có ai tin rằng, những nền móng ban đầu cho một thương hiệu phải được xây dựng từ trước khi ( vâng, trước khi ) nó được sinh ra và đặt tên?