GÓC NHÌN KHÔNG GIỐNG AI VỀ KHỞI NGHIỆP!

Nhiều người cho rằng khởi nghiệp là mở Doanh Nghiệp riêng để làm ăn, hoặc phải mở ra một hoạt động kinh doanh nào đó cho riêng mình ( ví dụ bán bún, phở, cà phê, quần áo… ) để trở thành doanh chủ.

Nếu tư duy ra khỏi chiếc hộp ( outside the box ), KHỞI NGHIỆP LÀ BẮT ĐẦU MỘT SỰ NGHIỆP, và tất nhiên là bán gì cũng được, chứ không nhất thiết phải bán những thứ như đã nêu trên. Bạn có thể bán giọng ca để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, bán đôi chân để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, bán đôi tay để trở thành nghệ sĩ piano chuyên nghiệp, hoặc làm bác sĩ, giảng viên, công chức nhà nước. Bạn cũng có thể khởi nghiệp bằng con đường binh nghiệp ( quân đội ), chính trị ( để trở thành chính khách )… Tất cả đều là sự nghiệp của bạn và đều phải được “khởi nghiệp” từ đầu.

Có người “khởi nghiệp” bằng nghề bán cái đầu ( chất xám ), và sự nghiệp của họ cũng phát triển rất tốt theo thời gian. Họ “khởi nghiệp” từ một Nhân Viên, rồi lên manager, Giám Đốc, Tổng Giám Đốc, thành viên Hội Đồng Quản Trị, cổ đông, và nhà đầu tư…

Thứ họ bán không chỉ giúp nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn tích lũy để có thể an tâm nghỉ ngơi và dành thời gian trả ơn cho đời. Quá trình làm việc, họ cũng tạo công ăn, việc làm cho hàng chục nghìn lao động ( nhờ các công ty phát triển ). Quan trọng hơn, tài sản quý giá nhất họ tích lũy được là kiến thức, kinh nghiệm về quản trị và quản lý doanh nghiệp; và họ có thể dùng nó để giúp đỡ cho hàng nghìn bạn trẻ đang cần mà không hề sợ bị hao hụt.

Trên thế giới, có những CEO ( giám đốc điều hành ) có thu nhập ròng hàng năm lên tới nhiều chục triệu đô la – con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp lớn của VN. Và nhiều bạn trẻ ở VN cũng đang “kinh doanh” chất xám khá phát đạt, được khách hàng ( là các công ty ) tín nhiệm nên cho nắm giữ các trọng trách rất cao và còn ưu ái cho cổ phần, cổ phiếu để trở thành đồng sở hữu công ty. Vậy thì hà cớ gì cứ hô hào người “đang yên, đang lành” ra khởi nghiệp để rồi tỉ lệ thất bại trên 90%?

Người khởi nghiệp theo nghĩa trở thành doanh chủ phải là người có những tố chất đặc biệt như nhạy bén kinh doanh, đam mê làm giàu, kiên trì, quyết tâm, có máu liều, chịu cực khổ… Những tố chất này không phải ai cũng có ( nếu có thì hãy nghĩ đến chuyện khởi nghiệp làm doanh chủ ). Và đó chỉ mới là điều kiện cần, chưa phải là đã đủ. Vậy sao cứ nhất nhất phải bán bún, bán chè, bán quần áo hay thứ gì đó cụ thể thì mới là “khởi nghiệp”, trong khi chất xám là thứ Sản Phẩm cũng có giá trị chẳng kém gì? Tôi cho rằng người bán chất xám, về thực chất cũng là đang làm chủ – làm chủ chất xám, làm chủ bản thân, và là nhà cung cấp ( supplier ) cho khách hàng ( customer ) là cty của mình. Họ cũng phải liên tục cải tiến, nâng cấp sản phẩm của mình để giữ khách, và để bán với giá cao hơn như bất kỳ Sản Phẩm Dịch Vụ nào khác. Chất xám còn có lợi thế là không ôi thiu, quá date, tồn kho, phải đổ bỏ; thậm chí, càng bán, nó càng đầy lên, và chất lượng lại càng cao hơn, chẳng bao giờ cạn kiệt!

Sao không vun đắp cho sự nghiệp hiện tại của mình mà cứ phải đi “khởi” lại nhỉ? Mà ai cũng muốn làm doanh chủ thì còn ai để làm công?

Xem thêm các bài viết liên quan tới #KHỞI NGHIỆP

Xem thêm các bài viết liên quan tới #STARTUP

Xem thêm các bài viết liên quan tới #THƯƠNG HIỆU

Viết một bình luận