3 CÂU CHUYỆN CỔ GIÚP BẠN THẤY ĐƯỢC ĐÂU LÀ GỐC RỄ CỦA THÀNH CÔNG

NHỮNG CÂU CHUYỆN CỔ GIÚP BẠN THẤY ĐƯỢC ĐÂU LÀ GỐC RỄ CỦA THÀNH CÔNG


1. Câu chuyện thứ nhất


Nhà thơ lớn đời Đường – Lý Bạch lúc nhỏ đọc sách không chăm chỉ, thường trốn học. Một lần, ông không kiên trì nổi trên lớp học, bèn chạy đến vùng ngoại thành vui chơi. Ông đến một bờ suối, gặp được một bà lão tóc trắng nhoang nhoáng mài sắt.

Ông đứng đó thật lâu, mắt không chuyển động nhìn bà lão cứ mài sắt không ngừng, cảm thấy kỳ lạ hỏi: “Bà lão, bà mài cái này để làm gì?” Bà lão mỉm cười: “Làm kim khâu”. “Vậy sao có thể thành công?”. “Thành công chứ, nhất định có thể thành công, chỉ cần thời gian thôi”. “Ồ!”, Lý Bạch trầm trồ.

Câu trả lời tự tin của bà lão lay động ông mạnh mẽ! Thế là ông vội vàng xoay người trở về học đường. Từ lúc ấy hăng hái học tập, cuối cùng đạt được thành tựu lớn.

Đây chính là nguồn gốc của Có công mài sắt có ngày nên kim. Câu chuyện này trăm ngàn năm nay vẫn khuyến khích chúng ta từng bước một đi đến thành công. Rất nhiều lúc, chúng ta không phải không thể thành công, mà là cách thành công chỉ còn một bước, nhưng chính là vì bước này chúng ta không kiên trì đến cùng nên mới thất bại.

"Ở NƠI NÀO ĐÓ TRÊN THẾ GIỚI, CÓ MỘT NGƯỜI ĐANG LUYỆN TẬP CÒN BẠN THÌ KHÔNG, VÀ KHI PHẢI ĐỐI ĐẦU VỚI HỌ, HỌ SẼ HẠ GỤC BẠN!"

2. Câu chuyện thứ hai

Thời cổ, có hai người đi đào giếng. Một người tương đối thông minh, lúc chọn địa điểm, chọn một nơi tương đối dễ đào ra nước. Người thứ hai khá ngốc, không biết xem địa chất, tùy tiện chọn một nơi rất khó đào ra nước.

Người thứ nhất nhìn thấy nơi người thứ hai chọn, cười thầm trong lòng, sinh ra một kế, muốn chiếm lợi của người thứ hai, thế là giả vờ nói: “Chúng ta cá cược đi. Chúng ta thi đấu thử xem, ai đào ra nước trước người đó chính là kẻ thắng lợi. Kẻ thất bại phải mời kẻ thắng đến quán rượu tốt nhất vùng này để uống rượu. Thế nào, dám thử không?”

Người thứ hai nghĩ ngợi, cảm thấy cá cược đào lên càng có động lực, thế là đồng ý ngay. Người thứ nhất tự cho là nắm chắc thắng lợi, đào bữa đực bữa cái, một ngày đào giếng phải nghỉ ngơi hai ngày. Người thứ hai không ngừng kiên trì, cả ngày không nghỉ ngơi.

Người thứ nhất nhìn thấy độ sâu của người thứ hai sâu hơn của mình thì chế giễu nói: “Anh à, đừng lãng phí sức lực nữa. Tôi thấy anh vĩnh viễn cũng đào không ra nước đâu.” Người thứ hai không để ý hắn, tiếp tục đào giếng của mình.

Lúc này người thứ nhất bắt đầu sinh nghi ngờ đối với nơi mình chọn: “Đào lâu vậy rồi, sao vẫn chưa có nước? Hay là đổi một nơi cạn hơn nữa vậy!” Thế là hắn chọn một nơi càng dễ đào ra nước hơn, gật gù đắc ý nói: “Lần này bảo đảm bảy ngày có thể đào ra nước.”

Nhưng đến ngày thứ sáu, hắn lại bắt đầu nghi ngờ, tại sao vẫn chưa thấy nước? Có phải mình nhìn nhầm rồi không? Thế là hắn lại đổi một nơi khác. Cứ như vậy, người thứ nhất đổi tới đổi lui, từ đầu đến cuối vẫn không đào ra nước, mỗi lần đều là độ sâu cách nơi đào nước chỉ có một tấc thì hắn đã bỏ cuộc rồi. Lại xem người thứ hai, độ sâu anh ta đào sâu hơn tất cả độ sâu của người thứ nhất, đương nhiên kết quả cuối cùng là đã đào ra nước.

Băng dày ba thước không phải chỉ vì rét có một ngày, đào giếng cũng thế. Người thứ nhất thực ra rất thông minh, mỗi lần chọn nơi đều dễ đào ra nước hơn lần trước. Nếu như hắn kiên trì thêm một chút, nỗ lực đào thêm mấy lượt, khẳng định có thể đào ra nước.

Tuân Tử nói: “Thiên lý mã một lần nhảy không thể xa đến mười bước. Tuấn mã tuy có sức, chân có lực nhưng nhảy một lần không hơn mười bước. Ngược lại, một con ngựa ốm yếu không khỏe mạnh bằng tuấn mã nhưng nếu kiên trì kéo xe mười ngày vẫn có thể đi được rất xa. Nó thành công là do đi chẳng ngừng nghỉ hay chính là kiên trì, không bỏ cuộc.”

Nước chảy đá mòn, có công mài sắt, có ngày nên kim, vì sao giọt nước nhỏ nhoi đó có thể làm mòn đá? Thanh sắt lớn có thể mài thành kim? Nói thẳng ra, đây vẫn là kiên trì. Một giọt nước không làm được nhưng khi nhiều giọt nước cùng kiên trì, không ngừng chảy qua hòn đá thì có thể hình thành sức mạnh cực lớn. Cuối cùng, đá đã bị mòn.

Khi điều kiện đầy đủ, mọi việc tự sẽ làm nên. Trước lúc thành công, khó tránh khỏi có lúc thất bại nhưng chỉ cần khắc phục khó khăn, kiên trì cố gắng. Vậy thì, thành công sẽ ở ngay trước mắt.

"Thiên lý mã một lần nhảy không thể xa đến mười bước. Tuấn mã tuy có sức, chân có lực nhưng nhảy một lần không hơn mười bước. Ngược lại, một con ngựa ốm yếu không khỏe mạnh bằng tuấn mã nhưng nếu kiên trì kéo xe mười ngày vẫn có thể đi được rất xa. Nó thành công là do đi chẳng ngừng nghỉ hay chính là kiên trì, không bỏ cuộc."

3. Câu chuyện thứ ba

Thời Trụ Vương, hôn quân nắm quyền, rất nhiều hiền tài chết oan trong ngục. Ngày nọ, có thêm hai người vào ngục lao. Họ là hai cha con, nghe nói là thủ hạ của Chu Vũ Vương.

Như nhiều người khác, con trai vừa vào ngục đã hoàn toàn tuyệt vọng. Vào đây thì chỉ có một con đường chết. Xưa nay, chưa có một phạm nhân nào có thể sống mà ra ngoài. Người cha an ủi con trai, nhất định sẽ nghĩ ra cách, nhất định sẽ có hy vọng.

Nửa đêm hôm nọ, người cha bị lạnh làm cho thức giấc. Dường như, ông nghe được tiếng nước chảy, khi nghe kỹ lại thì quả thật là vậy. Trước đây không nghe thấy là do buổi sáng quá ồn ào.

Phát hiện lớn này khiến người cha vô cùng ngạc nhiên và vui mừng. Ông càng phấn khởi hơn khi phát hiện tiếng nước chảy ở ngay căn phòng nhà lao này của họ. Vậy cũng đồng nghĩa là nếu cứ từ từ trên tường đục lỗ ra bên ngoài thì sẽ có cơ hội thoát ra khỏi ngục lao bằng đường hầm. Người cha không kìm được sự vui sướng, đánh thức con trai, nói cho cậu biết phát hiện động trời này của ông.

Người con lắc đầu: “Việc này sao có thể chứ? Như hoàn cảnh chúng ta bây giờ, không có điều kiện gì cả, khắp nơi đều là lính canh ngục đi tuần tra.” Người cha cổ vũ con trai: “Không có gì là không thể! So với việc ngồi ở đây đợi chết, chi bằng tranh thủ cho bản thân một cơ hội sống. Mỗi ngày chúng ta đục một ít, rồi cũng sẽ có ngày làm thành một đường hầm.” Thấy người cha kiên quyết như thế, con trai đành thuận theo.

Vậy là hai cha con lợi dụng thời gian sinh hoạt cá nhân để tìm dụng cụ đào đất, đục lỗ. Họ tìm được những viên đá, cây gỗ sắc bén, thậm chí còn tìm được nửa cây mâu. Nửa cây mâu này đã tăng thêm sự tự tin và sự dũng cảm cho họ. Người cha nói dối là có thói quen vẽ tranh, mượn bút và giấy từ tay lính canh ngục, vẽ một bức tranh dùng để che miệng hầm.

Buổi sáng, hai cha con không khác gì những tù nhân khác. Tối đến, họ bắt đầu hành động bí mật. Đây là một nhiệm vụ đầy khó khăn, nguy hiểm. Hai người luân phiên canh gác, một người trong số đó che chở. Khi một người đang đục lỗ, người còn lại sẽ cố ý phát ra tiếng ngáy rất lớn. Cứ như vậy, một năm qua rồi lại một năm, có nhiều lúc, người con sắp kiên trì không nổi nữa nhưng người cha vẫn luôn hết sức tự tin mà động viên cậu, miêu tả với cậu cuộc sống ngoài kia tươi đẹp thế nào.

Mười năm sau, cuối cùng thì hai cha con cũng đục được một đường hầm. Vào một đêm trăng sao gió mát nọ, họ thành công chạy trốn khỏi ngục tù. Vũ Vương long trọng tiếp đãi hai người. Một năm sau, Vũ Vương phạt Trụ, hai cha con lập được chiến công.

Kiên trì suốt mười năm vẫn như một ngày, điều này không phải ai cũng có thể làm được. Trên đời không có việc gì khó, chỉ cần chịu cố gắng, hai cha con ngoan cường ấy chính là sự diễn giải tốt nhất.

HÃY NHỚ: "KHÔNG PHẢI LÚC NÀO BẠN CỐ GẮNG CŨNG THÀNH CÔNG, NHƯNG PHẢI LUÔN CỐ GẮNG ĐỂ KHÔNG HỐI TIẾC KHI THẤT BẠI"

Viết một bình luận